Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự khác nhau giữa HTTP và HTTPS. Liệu 2 giao thức này có an toàn như nhau không và bạn nên ưu tiên sử dụng giao thức nào.
HTTP là gì?
Tên đầy đủ của HTTP là Hypertext Transfer Protocol (Giao thức truyền siêu văn bản). Nói một cách dễ hiểu, HTTP là một giao thức truyền thông. Nó cho phép truyền các tài liệu siêu phương tiện như HTML.
Nói cách khác, HTTP tạo nền tảng cho bất kỳ hình thức trao đổi dữ liệu nào thông qua World Wide Web. Đó là lý do tại sao nó là một phần quan trọng của địa chỉ URL. Nếu không có HTTP, bạn không thể duyệt web, gửi hoặc nhận dữ liệu qua internet.
Ưu điểm của HTTP:
- Linh hoạt và có thể mở rộng. Dễ dàng gửi, nhận dữ liệu và duyệt web bằng HTTP
- Không trạng thái, dễ phân cụm và tránh sự tương tác của các requests khác nhau.
- Phản hồi nhanh. Giao tiếp qua HTTP gần như là tức thì trừ khi kết nối internet của bạn không ổn định hoặc chậm.
Nhược điểm của HTTP:
- Nội dung truyền đi không được mã hóa, nếu bị bắt gói tin, Hacker có thể xem được Password của bạn.
- Nếu danh tính không được xác minh, thì tin tặc có thể dễ dàng ngụy trang thành bạn.
- Không thể xác định tính toàn vẹn của nội dung được truyền tải.
HTTPS là gì?
HTTPS là viết tắt của Hypertext Transfer Protocol Secure. Đó là một giao thức giao tiếp web, theo đó việc truyền dữ liệu của HTTPS được mã hóa diễn ra thông qua một kết nối an toàn. HTTPS sử dụng giao thức SSL/TLS để mã hóa dữ liệu được gửi hoặc nhận trên internet.
Nói cách khác, không có nhiều sự khác biệt giữa HTTP và HTTPS về chức năng, chỉ là HTTPS có mã hóa bảo mật. HTTPS là một phiên bản bảo mật của HTTP, do đó thích hợp để truyền dữ liệu nhạy cảm như thông tin đăng nhập và số thẻ tín dụng một cách an toàn thông qua web.
Ưu điểm của HTTPS:
- Xác thực: HTTPS xác thực thông tin thông qua chứng chỉ SSL để xác nhận danh tính thực của một trang web và cho phép người dùng xác định thông tin trang web chính xác
- Mã hóa và truyền dữ liệu: HTTPS mã hóa và giải mã dữ liệu bằng cách sử dụng lớp mã hóa SSL và các sockets bảo mật để đảm bảo an toàn dữ liệu trong quá trình truyền tải.
- Tính toàn vẹn của dữ liệu: Sử dụng giao thức HTTPS, bạn có thể ngăn nội dung dữ liệu bị đánh cắp và thay đổi trong quá trình truyền tải, nhờ đó bạn có thể nhận được dữ liệu thực và đáng tin cậy.
- Cải thiện SEO: Sử dụng HTTPS không ảnh hưởng đến SEO mà web của bạn còn có thể có được thứ hạng tốt hơn.
Nhược điểm của HTTPS:
- Chi phí của chứng chỉ SSL cao và việc triển khai, cập nhật và duy trì chứng chỉ SSL trên máy chủ rất phức tạp (Bạn có thể dùng Let’s Encrypt, ZeroSSL miễn phí)
- HTTPS làm chậm việc truy cập trang web do phải handshakes nhiều lần (xác thực giao thức)
- HTTPS liên quan đến các thuật toán bảo mật tiêu tốn tài nguyên CPU, có nghĩa là các trang web yêu cầu cấu hình máy chủ cao hơn.
Nâng cấp từ HTTP lên HTTPS
Khi đã xác định được những ưu điểm và nhược điểm của HTTP và HTTPS, thì bạn cũng nên nâng cấp từ HTTP lên HTTPS. Bên cạnh đó, Google đang nỗ lực để đảm bảo rằng mọi người đều đang sử dụng HTTPS để tăng cường bảo mật trực tuyến cho mọi người. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách nâng cấp từ HTTP lên HTTPS.
Bước 1: Mua chứng chỉ SSL
Bước đầu tiên khi nâng cấp từ HTTP lên HTTPS là mua chứng chỉ SSL. Sau khi bạn cài đặt chứng chỉ, nó sẽ kích hoạt giao thức HTTPS, cho phép kết nối an toàn giữa máy chủ và trình duyệt web. Bạn cũng cần chọn chứng chỉ phù hợp dựa trên nhu cầu của mình.
Các tùy chọn đó bao gồm chứng chỉ xác thực domain, chứng chỉ xác thực doanh nghiệp/tổ chức và chứng chỉ xác thực mở rộng. Tốt nhất là bạn nên mua chứng chỉ SSL từ công ty lưu trữ của mình để bạn có thể đảm bảo rằng chứng chỉ này hoạt động tốt và hoàn hảo.
Bước 2: Cài đặt chứng chỉ SSL
Bây giờ bạn đã có chứng chỉ SSL, bước tiếp theo là cài đặt nó trên máy chủ web của bạn. Quá trình này thậm chí còn dễ dàng hơn nếu bạn mua chứng chỉ SSL từ công ty lưu trữ của bạn vì họ sẽ thay mặt bạn cài đặt chứng chỉ SSL.
Bước 3: Kiểm tra chứng chỉ của bạn
Khi bạn đã cài đặt chứng chỉ SSL trên các máy chủ web của mình, bạn cần kiểm tra xem chứng chỉ đó có hoạt động bình thường hay không. Bạn có thể kiểm tra bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến từ các nguồn uy tín như SSL Labs Server Test.
Bạn cũng cần kiểm tra xem liên kết nội bộ đã chuyển từ HTTP sang HTTPS hay chưa trước khi hoạt động để đảm bảo không xảy ra lỗi.
Bước 4: Thiết lập redirects 301
Bạn cần thiết lập redirects 301 sau khi cài đặt chứng chỉ SSL để có thể chuyển hướng tất cả lưu lượng truy cập máy chủ sang HTTPS mới và an toàn. Khi bạn làm điều đó, khách truy cập/khách hàng vào trang web HTTP sẽ được chuyển đến URL an toàn hơn.
An toàn khi lướt Web
Việc bạn chỉ truy cập các trang web HTTPS hoặc bạn đã nâng cấp từ HTTP lên HTTPS cũng không đảm bảo rằng bạn lướt web an toàn. Bạn vẫn có thể là nạn nhân của các cuộc tấn công như phishing, mailware, scam… và nội dung dữ liệu của bạn vẫn có thể bị đánh cắp nếu bạn không tăng cường sự bảo mật và quyền riêng tư của mình.
Vì vậy, mình khuyên bạn nên truy cập các trang web an toàn để đảm bảo an toàn cho chính mình. Nếu cần, hãy sử dụng các công cụ bảo mật như VPN hoặc proxy để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của bạn khi duyệt internet. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc bài viết này để biết thêm các phương pháp bảo mật giúp bạn an toàn hơn trên internet.